- Trang chủ
- Kiến thức sức khỏe
- Tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là khi các tế bào tại cổ tử cung – một bộ phận nối âm đạo với tử cung, phát triển bất thường một cách nhanh chóng tạo thành khối u. Thông thường ung thư cổ tử cung phát triển chậm từ 10-15 năm hoặc lâu hơn và hoàn toàn có thể phát hiển sớm nhờ các xét nghiệm tầm soát đơn giản tìm tế bào bất thường.
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV, một loại virus rất phổ biến có thể lây nhiễm trên cơ quan sinh dục nam và nữ. Một số chủng của virus này có thể biến tế bào cổ tử cung thành tế bào bất thường và gây ung thư.
Tầm soát ung thư cổ tử cung chính là thực hiện các xét nghiệm tìm tế bào bất thường có nguy cơ trở thành tế bào ung thư cổ tử cung hoặc tìm những virus có thể gây biến đổi tế bào cổ tử cung
Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Có hai phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến là xét nghiệm Pap (ThinPrep hoặc Pap Smear) và xét nghiệm HPV. Tuỳ độ tuổi và các yếu tố nguy cơ mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định phù hợp.
Cả hai phương pháp tầm soát đều đơm giản là lấy tế bào từ cổ tử cung bằng một bàn chải nhỏ chuyên dụng và được gửi đến các trung tâm xét nghiệm để kiểm tra.
– Xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear), mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào bất thường nào không.
– Xét nghiệm HPV, mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của 13-14 chủng HPV nguy cơ cao.
Những ai cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo.
Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời mỗi 5 năm (ưu tiên). Hoặc người bệnh có thể làm mỗi xét nghiệm Pap mỗi 3 năm tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ sau 65 tuổi và không có yếu tố tiền sử bất thường tế bào cổ tử cung thì ngừng tầm soát.