fbpx

UNG THƯ BẠCH CẦU (LEUKEMIA)

Ung thư bạch cầu (Leukemia) có dấu hiệu gì, điều trị ra sao và có phòng ngừa được không sẽ được trình bày đầy đủ trong bài viết sau

BS. CKII Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa ngoại 1 – Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM chia sẽ trên trang facebook cá nhân về Ung thư bạch cầu (Leukemia) một trong ba loại ung thư máu

Ung thư bạch cầu hay bệnh bạch cầu (leukemia) là một loại ung thư do bất thường trong máu và tủy xương của bạn và gây ra bởi sự sản sinh quá mức của các tế bào bạch cầu bất thường. Các tế bào bạch cầu bất thường này không có khả năng chống lại nhiễm trùng và còn làm suy giảm khả năng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu của tủy xương.
Bệnh bạch cầu có thể biểu hiện cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh bạch cầu cấp tính tiến triển nhanh hơn bệnh bạch cầu mãn tính, cần điều trị ngay lập tức. Bệnh bạch cầu được phân loại là bệnh dòng lympho hoặc dòng tủy tùy loại tế bào bị bất thường.
Trong bệnh bạch cầu dòng lympho, các tế bào trong tủy để tạo thành tế bào lympho phát triển bất thường. Đây là một loại tế bào bạch cầu có vai trò trong hệ thống miễn dịch.
Trong bệnh bạch cầu dòng tủy, sự phát triển tế bào bất thường xảy ra đối với các tế bào tủy trưởng thành thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Có bốn phân loại bệnh bạch cầu rộng rãi:
• Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp (ALL)
• Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp (AML)
• Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn (CLL)
• Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn (CML)
Bệnh bạch cầu xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. ALL là dạng bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em, và AML là dạng phổ biến thứ hai. Hai bệnh bạch cầu ở người lớn phổ biến nhất là AML và CLL.
Nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã thành công giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán mắc Bệnh bạch cầu. 

Một số dấu hiệu bệnh mơ hồ thường bị bỏ qua

1. Các dấu hiệu hay triệu chứng của ung thư bạch cầu

Hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn về nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu, nhưng họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh này, bao gồm:

• Tiếp xúc với phóng xạ, đặc biệt nguồn phóng xạ có độ bức xạ cao.

• Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ, benzen)

• Hóa trị điều trị một loại Ung thư hay bệnh nào trước đây.

• Hội chứng Down

• Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu

Các triệu chứng khác nhau tùy vào loại và giai đoạn của bệnh bạch cầu, nhưng chúng có thể bao gồm những triệu chứng sau đây:

• Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi ban đêm và các triệu chứng giống cúm khác

• Suy nhược và mệt mỏi

• Nướu bị sưng hoặc chảy máu

• Nhức đầu

• Gan và lách to

• Sưng amidan

• Đau xương

• Xanh xao

• Các nốt đỏ có kích thước như đầu đinh ghim trên da

• Sụt cân

Việc điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng quát và loại bệnh bạch cầu của bạn

2. Điều trị Ung thư bạch cầu như thế nào?

Bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm công thức máu (CBC) để xác định xem bạn có bị bệnh bạch cầu hay không. Xét nghiệm này có thể tiết lộ liệu bạn có gặp vấn đề bất thường về tế bào bạch cầu hay không. Số lượng bạch cầu cao bất thường và số lượng hồng cầu hoặc tiểu cầu thấp bất thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu. Nếu bạn có kết quả dương tính với bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tủy xương của bạn để xác định bạn mắc loại nào.

Việc điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng quát và loại bệnh bạch cầu của bạn. Bạn có thể được phối hợp các phương pháp điều trị bao gồm hóa trị, liệu pháp sinh học, xạ trị và ghép tế bào gốc. Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp thường được hóa trị vì loại điều trị này nhắm vào các tế bào phân chia nhanh. Nhiều bệnh nhân ung thư máu cấp đã đáp ứng điều trị thành công. Tuy nhiên, trong bệnh bạch cầu mạn, bởi vì các tế bào phân chia chậm hơn nên việc điều trị ưu tiên hơn bằng các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích thay vì hóa trị liệu truyền thống.

Đối với một số bệnh nhân, có một hướng khác là tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng giúp tiếp cận với các liệu pháp mới, đang được thử nghiệm. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tham gia thử nghiệm lâm sàng xem có phù hợp với bạn không.

Một số bệnh nhân có thể tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng giúp tiếp cận với các liệu pháp mới

3. Ung thư bạch cầu có thể phòng ngừa được không?

Bởi vì nguyên nhân của bệnh bạch cầu vẫn chưa được biết rõ, nên không có cách nào có thể phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, tránh tiếp xúc với các dung dịch hóa chất, chẳng hạn như benzen và toluen, cũng như tránh tiếp xúc không cần thiết với tia phóng xạ là những biện pháp được các chuyên gia khuyến khích. Nếu bạn nghĩ rằng có thể bạn có dấu hiệu của bệnh bạch cầu, việc biết được các yếu tố nguy cơ, triệu chứng và đến gặp bác sĩ là rất quan trọng để được chẩn đoán và điều trị sớm. Điều đặc biệt quan trọng đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu là họ cần được giáo dục để biết các triệu chứng hay dấu hiệu và cần khai báo tiền sử bệnh của gia đình với bác sĩ khi khám bệnh.