fbpx

Nôn trớ ở Trẻ sơ sinh

Bài viết cung cấp cho phụ huynh các kiến thức về nôn trớ ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu bất thường cần chú ý cũng như cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ.
Nôn trớ là tình trạng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh

1. Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là gì?

Nôn trớ là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình.

Nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 

2. Dấu hiệu nôn trớ ở trẻ sơ sinh cảnh báo bệnh lý?

Nôn trớ là biểu hiện của một bệnh lý khi đi kèm với những dấu hiệu khác như:

  • Khóc thét, khó hoặc không thể dỗ
  • Bụng chướng
  • Đau quặn bụng, thường biểu hiện trẻ ưỡn bụng, vặn mình và khóc từng cơn
  • Trẻ lơ mơ, thiếu lanh lợi hoặc ngủ li bì khó đánh thức
  • Nôn kèm co giật
  • Trẻ có nôn nhiều và có biểu hiện mất nước như khô miệng, khóc không nước mắt, mắt trũng,…
  • Bãi nôn có màu bất thường như xuất hiện máu hoặc có màu vàng, màu xanh
  • Đặc biệt từ sau 6 tháng tuổi mà trẻ vẫn còn nôn trớ nhiều thì bố mẹ nên chú ý đưa trẻ đi khám các bác sĩ chuyên khoa Nhi tiêu hoá để được xác định sớm tình trạng bệnh lý nếu có.
Khi trẻ nôn trớ kèm các triệu chứng bất thường như đau bụng, sốt, co giật, nôn ra máu… là dấu hiệu bất thường

3. Nguyên nhân nôn trớ ở trẻ sơ sinh?

Nguyên nhân nôn trớ sinh lý:

Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Chính vì vậy, khi trẻ ăn no thường dễ dẫn tới hiện tượng nôn trớ. 

Ngoài ra, cách chăm sóc của bà mẹ cũng tác động khiến trẻ dễ nôn trớ

  • Cho trẻ ăn quá nhiều, ép bú quá mức
  • Trẻ bú không đúng tư thế, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày.
  • Trẻ vừa ăn no đã cho trẻ nằm
  • Quấn tã hoặc băng rốn quá chặn
  • Mùi vị thức ăn không phù hợp

Nguyên nhân nôn trớ bệnh lý:

  • Trẻ bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng có thể kích thích dạ dày gây ra nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như viêm đường hô hấp trên, viêm màng não;
  • Trẻ đang mắc bệnh, chẳng hạn như sốt, đau tai hoặc sau khi tiêm phòng;
  • Tắc nghẽn trong dạ dày hoặc ruột. Có thể do dị tật đường tiêu hóa như hẹp phì đại môn vị, thoát vị hoành, teo thực quản. Hoặc do một số bệnh lý ngoại khoa như tắc ruột, xoắn ruột. Tình trạng này thường đi kèm nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí trung đại tiện, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dày nâu đen;
  • Một số loại thuốc có thể khiến trẻ bị nôn;
  • Chất gây dị ứng, bao gồm phấn hoa; tuy nhiên rất hiếm gặp ở trẻ dưới 1 tuổi;
  • Say tàu xe;
  • Tình trạng không dung nạp sữa.

4. Làm gì khi trẻ bị nôn trớ sơ sinh?

Tình trạng nôn trớ sơ sinh nhiều và kéo dài có thể khiến trẻ mất nước, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thậm chí viêm phổi do hít chất nôn. Sau đây là một số lời khuyên từ bác sĩ mà các mẹ cần lưu ý để giúp giảm tình trạng nôn trớ sinh lý ở trẻ.

Cho trẻ bú đúng cách

Nên cho trẻ bú bên trái trước; sau đó, khi dạ dày chứa nhiều sữa thì chuyển cho trẻ bú phải sẽ giúp sữa dàng đều trong dạ dày và giảm tình trạng nôn trớ.

Bên cạnh đó, khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh trẻ bị sặc. 

Không nên cho trẻ bú một lần quá nhiều mà nên cho bú nhiều củ, tuỳ độ tuổi mà các cử bú cách nhau 2-4 giờ.

Giữ đúng tư thế sau khi bú

Sau khi bú xong, bà mẹ cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15-20 phút, kết hợp vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.

Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt giảm nôn trớ

Nới lỏng quần áo

Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo tả của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.

Ngoài ra, nếu trẻ nôn trớ sau khi bú, bà mẹ cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh sặc chất nôn. Làm sạch chất nôn trong mũi, miệng và họng trẻ bằng cách hút hoặc lấy khăn gạc thấm. Khi hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm, oresol từ từ bằng muỗng. Cuối cùng đánh giá chất nôn, và tiếp tục theo dõi trẻ.

Nôn trớ sau khi bú ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý thường gặp. Nếu như bé chỉ nôn trớ thông thường thì mẹ không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh, xử lý theo những lời khuyên ở trên. Chú ý quan sát trẻ sau nôn trớ và luyện tập cho trẻ bú đúng cách, đúng tư thế nhàm giúp giảm tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh.

Nguồn: Sưu tập