fbpx

Chăm sóc khi trẻ bị ho

Hầu hết các cơn ho ở trẻ là do virus gây ra và thường tự khỏi mà không cần sử dụng kháng sinh. Trung bình một trẻ mẫu giáo và tiểu học bị ho ba đến tám lần trong một năm, có những đợt ho nối tiếp nhau gây lo lắng cho mẹ dẫn tới việc trẻ bị uống kháng sinh khi không thực sự cần thiết. Nhận biết và biết cách chăm sóc khi trẻ bị ho do virus là một kiến thức mà mỗi phụ huynh cần trang bị để chăm sóc tốt cho con cháu của mình

TRIỆU CHỨNG HO DO VIRUS

Ho thường kèm sổ mũi, ho tăng về đêm và không có tổn thương thực thể tại phổi (viêm phổi). Để chắc chắn trẻ bị ho không phải do các bệnh lý tại phế quản hay phổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ riêng để được kiểm tra và được hướng dẫn cách chăm sóc cụ thể cho trẻ

Ngoài ho và sổ mũi, trẻ có thể có sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu và mệt mỏi; đôi khi trẻ chán ăn hoặc bỏ ăn.

Trẻ có thể nôn sau một cơn ho kéo dài.

Sự tích tụ chất nhầy sau màn nhĩ có thể khiến trẻ bị đau tai nhẹ

Trẻ ngủ nhiều, đây là một trạng thái hoàn toàn bình thường của cơ thể khi bị nhiễm virus và nó có tác dụng có lợi cho cơ thể

CHĂM SÓC TRẺ BỊ HO

Thông thường các triệu chứng ho, sổ mũi hay khó chịu sẽ diễn tiến nặng dần trong 2-3 ngày đầu tiên và sau đó giảm dần trong những ngày tiếp theo. Vì vậy trong những ngày đầu trẻ bị ho bố mẹ nên đảm bảo trẻ uống đủ nước, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên nếu nghi ngờ trẻ có sốt và uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ khi cần thiết. Đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cũng như sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của trẻ như thuốc ho thảo dược, thuốc ho tiêu đàm, thuốc sổ mũi, rửa mũi… Tất cả các loại thuốc kể trên đều phải được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ

Ở giai đoạn sau của bệnh, các triệu chứng thuyên giảm dần tuy nhiên trẻ có thể ho và sổ mũi kéo dài dai dẳng 2 tuần sau đó. Dinh dưỡng hợp lý vào giai đoạn này là rất quan trọng để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ trong giai đoạn phục hồi

KHI NÀO THÌ CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN BỆNH VIỆN?

Ho do virus thường tự khỏi mà không để lại biến chứng, tuy nhiên trong vài trường hợp nhiễm trùng phát triển từ một tình trạng nhiễm virus ban đầu được gọi là bội nhiễm. Lúc này trẻ có thể bị các tình trạng bệnh như nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm phổi và thậm chí là nhiễm trùng máu…

Nếu trình trạng ho của trẻ càng ngày càng nặng và không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc trẻ có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất:

  • Trẻ thở khò khè, thở rên hoặc khó thở
  • Trẻ lừ đừ hoặc ngủ li bì khó đánh thức
  • Trẻ khó chịu bất thường, quấy khóc dai dẳng, với trẻ nhỏ có thể thể hiện bằng cách bỏ bú
  • Trẻ đau ngực
  • Sốt cao liên tục, ít đáp ứng thuốc hạ sốt
  • Ho kéo dài trên ba tuần
  • Ho và các triệu chứng ngày càng nặng lên sau khoảng năm ngày bị bệnh…

Nguồn tham khảo: patient