fbpx

Suy thận và những điều cần biết

Nhắc lại một chút, suy thận có nghĩa là thận của bạn không còn làm việc tốt như trước nữa. Có rất nhiều lý do dẫn đến suy thận và cũng có nhiều mức độ suy thận khác nhau thường là từ nhẹ đến trung bình và tập trung ở nhóm người lớn tuổi. Nguy hiểm là nó thường không có triệu chứng gì và chức năng thận thì cứ suy giảm dần theo năm tháng.

Nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ

Đây là lý do bạn cần quan tâm đến bệnh này ngay cả khi chỉ mới bị nhẹ. Điều trị kịp thời không chỉ làm chậm quá trình diễn tiến bệnh mà còn giúp giảm nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.

Suy thận không có nghĩa là thận bị mất chức năng hoàn toàn, nó chỉ không còn “làm việc” tốt như trước ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng mà thôi.

Có hai dạng suy thận:

  • Bệnh thận mạn
  • Bệnh thận cấp tính hay suy thận cấp. Nếu suy thận mạn là chức năng thận suy giảm từ từ thì ở suy thận cấp chức năng thận bị suy giảm nhanh chóng chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Một nguyên nhân có thể gây suy thận cấp như nhiễm trùng máu nặng ảnh hưởng lên thận.

Bệnh thận mạn có thể được chẩn đoán sớm và theo dõi thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu

Chức năng thận có thể được kiểm tra thông qua xét nghiệm máu để kiểm tra Mức lọc cầu thận (eGFR) hoặc thông qua xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nồng độ protein niệu. Đây là hai thông số mà bệnh nhân suy thận cần đặc biệt quan tâm và theo dõi thường xuyên.

Mức lọc cầu thận bình thường là trên 90ml/phút/1.73 m2 da. Tuy nhiên bạn không trực tiếp làm xét nghiệm eGFR mà để tính được mức lọc cầu thận bạn lại phải làm xét nghiệm nồng độ creatinine máu, dựa theo kết quả xét nghiệm kết hợp với tuổi và giới của mỗi người bác sĩ sẽ tính ra kết quả là mức lọc cầu thận của riêng bạn.

Protein là một phân tử quá lớn để đi qua được màng lọc cầu thận, vì vậy nước tiểu bình thường không chứa Protein. Vì vậy khi chức năng thận càng suy giảm thì protein niệu càng cao.

Những triệu chứng của suy thận mà bạn có thể tự kiểm tra được

Thông thường phải đến giai đoạn suy thận nặng (độ 4 hoặc 5) bạn mới nhận thấy các biểu hiện của suy thận, còn ở mức độ nhẹ đến trung bình chỉ có những triệu chứng đơn giản như mệt mỏi. Suy thận thì thường được phát hiện nhờ xét nghiệm mức lọc cầu thận trước khi có những triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng của suy thận thường mơ hồ và không điển hình, ngoài mệt mỏi bệnh nhân suy thận còn có thể các triệu chứng sau:

  • Kém tập trung
  • Chán ăn
  • Sụt cân không chủ ý
  • Da khô ngứa
  • Thường bị chuột rút
  • Phù chân và mắt cá chân
  • Phù mắt
  • Tiểu nhiều bất thường
  • Xanh xao do thiếu máu

Rất nhiều vấn đề phát sinh khi suy thận đến giai đoạn nặng như thiếu máu, rối loạn cân bằng canxi, phosphat và các hoá chất khác trong máu khiến các bệnh nhân suy thận nặng có thể bị mệt mỏi nhiều hơn do thiếu máu, loãng xương hoặc gãy xướng…

Suy thận giai đoạn cuối (độ 5) có thể tử vong nếu không được điều trị.

Làm sao để phân độ suy thận?

Suy thận chia làm 5 độ:

  • Độ 1-3: mức độ nhẹ đến trung bình
  • Độ 4: mức độ nặng
  • Độ 5: suy thận giai đoạn cuối

Phân độ suy thận dựa vào mức lọc cầu thận của mỗi cá nhân cùng một vài yếu tố khác. Và đây là việc bạn nên tin tưởng giao cho bác sĩ của mình.

Có nhiều người bị suy thận không?

Cứ 10 người thì 1 người bị suy thận, nguy cơ này ngày càng tăng theo độ tuổi và đặc biệt phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Một nữa người ở độ tuổi trên 75 bị suy thận dù họ không hề mắc các bệnh lý về thận.

Tuy nhiên đa phần bệnh nhân suy nhận thì nằm ở mức độ nhẹ đến trung bình (độ 1-3).

Tại sao bạn bị suy thận?

Có rất nhiều yếu tố hằng ngày tác động đến thận làm suy giảm chức năng của nó và gây ra suy thận. Ba lý do phổ biến nhất gat ra suy thận (được nghiên cứu tại Anh) được đưa ra gồm:

  • Đái tháo đường: bệnh thận do tiểu đường là biến chứng rất phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Tăng huyết áp: huyết áp cao không được điều trị hoặc kiểm soát kém có thể gây suy thận. Tuy nhiên suy thận cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp vì thận có vai trò trong điều hoà huyết áp. Khoảng 9 trong 10 người bị suy thận độ 3-5 thì có huyết áp cao.
  • Thận lão hoá: thận suy giảm chức năng dần theo tuổi tác. Khi bạn ngoài 75 nguy sơ bị suy thận của bạn là 50%, thông thường chỉ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình trừ trường hợp đang mắc các bệnh lý nền như bệnh lý tại thận hoặc bệnh thận do đái tháo đường.

Một số nguyên nhân khác gây suy thận như viêm cầu thận, hẹp động mạch thận, nhiễm trùng tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần…

Tóm lại, nếu bạn là một bệnh nhân suy thận bạn cần làm ngay những việc sau:

  • Chú ý kiểm soát huyết áp
  • Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và luôn thông báo về tình trạng bệnh lý của mình cho các bác sĩ khi đi thăm khám các bệnh khác
  • Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể can thiệp được như tập luyện thể thao, giảm cân nếu cần, giảm chất béo …

Nguồn tham khảo: patient.info