fbpx

Hệ miễn dịch đối phó với virus nCoV như thế nào?

Hệ miễn dịch của con người hoạt động như thế nào?

Hệ miễn dịch nói một cách nôm nà là đó là hệ thống phòng thủ của con người chống lại bệnh tật.

Mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với những loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay vi nấm,… đây là những tác nhân gây bệnh mà chúng ta không nhìn thấy. Tuy mỗi ngày bị tấn công bởi nhiều “kẻ địch” như vậy nhưng không phải mỗi ngày chúng ta bị bệnh. Những con virus đó tấn công vào cơ thể của mình, nếu mình có sức đề kháng thì mình không bị bệnh. Còn những ai không có sức đề kháng thì dễ bị bệnh.

Hệ miễn dịch là hoạt động phối hợp của nhiều cơ quan, tế bào và những chất tiết ra trong cơ thể để chống lại các tác nhân có hại. Ví dụ bạch cầu là những “chiến binh” của cơ thể, cơ quan tạo ra bạch cầu là tủy xương. Tuyến ức là nơi huấn luyện tế bào bạch cầu cho nó thiện chiến hơn. Lách, hạch bạch huyết hay hệ thống bạch huyết là những nơi bảo quản và lưu trữ bạch cầu, khi có kẻ thù nó tấn công thì hệ thống sẽ được kích hoạt để chống lại dễ dàng.

Ngoài ra hệ miễn dịch còn có nhiều bộ phận khác, chẳng hạn như da cũng là hàng rào bảo vệ cơ thể. Dịch nhầy trong mũi, nước mắt, dịch nhầy trong đường tiêu hóa… cũng là những thành phần bảo vệ cơ thể, ngăn cản không cho những vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào bên trong.

Làm sao để một người biết hệ miễn dịch của mình khỏe hay yếu?

Đối với một người bình thường thì ta không cần phải đi kiểm tra để xem hệ miễn dịch khỏe hay yếu. Còn những ai bị nhiễm trùng liên tục hay bệnh tái đi tái lại thì nên đi đến gặp bác sĩ để làm xét nghiệm xem hệ miễn dịch của mình có bị suy giảm hay không.

Khi bị bệnh liên miên, chưa chắc người đó đã bị suy giảm hệ miễn dịch mà có thể người đó đã gặp vấn đề về cấu trúc trong cơ thể khiến họ bị bệnh, trong khi hệ miễn dịch thì vẫn bình thường. Tuy nhiên, những trường hợp nghi ngờ suy giảm miễn dịch thì bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm kiểm tra lượng tế bào bạch cầu. Khi số lượng bạch cầu thấp đi sẽ làm cho hệ miễn dịch hoạt động kém, đặc biệt là bạch cầu lympho.

Đối với những người bị HIV thì tế bào bạch cầu lympho cũng sẽ giảm đáng kể, do đó họ cần tăng bạch cầu lympho. Còn đối với những người thường thì không cần đi xét nghiệm, bởi vì nếu bệnh của ta ít tái đi tái lại thì hệ miễn dịch có thể được xem là bình thường.

Hệ miễn dịch đối phó với virus nCoV như thế nào?

Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh nói chung và virus nCoV nói riêng.

Ta có thể ví von hệ miễn dịch như đội quân phòng thủ. Trong đội quân đó, có những người lính chưa được huấn luyện gì cả, hễ gặp kẻ thù là tấn công ngay. Đó chính là “hệ miễn dịch bẩm sinh”, có nghĩa là chúng ta có những tế bào bẩm sinh đã có bản năng chống lại vi khuẩn, virus.

Khi virus xâm nhập vào để tấn công tế bào, chúng sẽ chụp lấy những tế bào và ăn, gọi là “thực bào”.  Lúc đó, bạch cầu của hệ miễn dịch sẽ xông ra và bắt lấy tế bào lạ đó, trong đó có virus. Cuộc chiến diễn ra rất nhanh và cơ thể có biểu hiện bên ngoài như người ta bị sốt lên, bị đàm nhớt nhiều hơn, sổ mũi nhiều hơn, đó là những dấu hiệu xảy ra trong quá trình chiến đấu của hệ miễn dịch bẩm sinh với tác nhân bên ngoài.

Bên cạnh hệ miễn dịch bẩm sinh, còn có một lực lượng “lợi hại” hơn, đó là “hệ miễn dịch đáp ứng” hay còn gọi là “miễn dịch thích nghi”, có khả năng nhận ra kẻ thù và tiêu diệt kẻ thù hiệu quả hơn. Những “chiến binh” của hệ miễn dịch này là tế bào lympho B và lympho T.

Tế bào lympho B và lympho T được huấn luyện ở 2 tình huống, đó là vô tình tiếp xúc với kẻ thù hay được chủ động luyện tập để nhận diện và chiến đấu với kẻ thù.

Ở tình huống thứ nhất, trong quá khứ, cơ thể vô tình tiếp xúc với một loại vi khuẩn và chiến thắng nó, các tế bào lympho sẽ “nhớ mặt” con vi khuẩn, sau này khi cơ thể gặp lại loại vi khuẩn đó, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống phòng thủ, lực lượng bạch cầu sẽ chống lại những con khuẩn gây bệnh đó hiệu quả.

Tình huống thứ hai là tập cho các tế bào lympho đó nhận biết kẻ thù (vi khuẩn, virus…) bằng cách chích ngừa vắc xin. Khi chúng ta tiêm vắc xin vào cơ thể, nó sẽ giúp cho các tế bào “ghi nhớ” về tác nhân gây bệnh và “tập dượt” tiêu diệt những kẻ xâm nhập này. Sau này, khi cơ thể thật sự gặp tác nhân gây bệnh, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống phòng vệ, các tế bào được huấn luyện trước đó sẽ có khả năng nhận diện kẻ thù và chống đỡ hiệu quả. Đó là đáp ứng miễn dịch thích nghi.

Có những cách nào để tiêu diệt virus Corona?

Đối với virus Corona nCoV, ta sẽ có 4 cách đối phó:

– Cách thứ nhất là tiêm vắc xin, có nghĩa là ta phải tạo ra vắc xin để nó giúp hệ miễn dịch trở nên tinh nhuệ trước nCoV. Hiện nay đang có một cuộc đua để tìm ra vắc xin tiêu diệt virus nCoV nhưng khoảng chừng vài năm thì mình mới chế tạo ra được vắc xin.

– Cách thứ hai là thuốc đặc trị, đây là một quy trìnhphức tạp từ lúc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thí nghiệm trên động vật, điều trị thử trên một số ít bệnh nhân (tự nguyện) rồi sau đó mới đưa vào sử dụng rộng rãi. Quá trình này phải mất 15 năm.

– Cách thứ ba đó là các thuốc chống virus sẵn có, ví dụ như thuốc chống virus HIV, thuốc chống virus cúm, thuốc chống lại virus viêm gan C. Virus có bộ gene gần giống nhau. Nếu tìm ra con virus nào gần giống với con virus Corona mới nCoV, thì chúng ta sẽ áp dụng thuốc đó.

Ở Trung Quốc đang sử dụng thuốc chống HIV để chống lại virus Corona. Một số nơi thì dung thuốc chống virus cúm, còn riêng ở Nga thì họ đề xuất sử dụng thuốc viêm gan C để điều trị. Nhưng vì chúng ta còn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa có câu trả lời thuốc nào có thể chống lại virus Corona hiệu quả nhất.

– Cách thứ tư là dùng công nghệ gen để chỉnh sửa các tế bào bạch cầu lympho T – các chiến binh trong cơ thể chúng ta. Người ta cần phải điều chỉnh tế bào lympho T để nó nhận biết nhanh và có thể tiêu diệt được virus Corona nhanh chóng.

Mỗi người sẽ có bộ gen khác biệt một chút, vì thế việc chỉnh sửa tế bào lympho T của mỗi người sẽ được cá thể hóa, không ai giống ai. Ta phải chỉnh sửa cho từng người một nên tốn rất nhiều thời gian.